Chủ Nhật, 6 tháng 10, 2013

8 cách đơn giản chữa đau họng

Thời tiết giao mùa rất dễ khiến bạn bị đau và viêm họng, viêm amidan. Những cách đơn giản dưới đây sẽ giúp bạn giảm đau họng hiệu quả mà không tốn kém và hại sức khỏe.
1. Súc miệng bằng nước muối
Biện pháp đơn giản giúp bạn giảm đau họng là hãy súc miệng bằng nước muối. Lấy nước ấm và bỏ thêm một chút muối sạch vào, sau đó súc miệng khoảng 15 phút, bạn sẽ cảm thấy sự khác biệt sau khi lặp đi lặp lại việc làm này thường xuyên trong ngày.
2. Ngậm gừng với mật ong
Gừng kết hợp với mật ong là một phương thuốc tuyệt vời đối phó với tình trạng này. Giã dập gừng, sau đó lấy một thìa mật ong trộn với gừng và ngậm. Sau đó hãy từ từ nuốt chúng, họng của bạn chắc chắn sẽ dịu đi.
3. Ngậm cam thảo
Cam thảo là loại thuốc có vị ngọt tự nhiên, có tác dụng rất tốt trong việc giảm đau họng. Hãy ngậm một miếng cam thảo trong miệng, tinh chất trong cam thảo được tiết ra nhờ nước bọt, chúng sẽ mau chóng chữa lành cổ họng cho bạn.
4. Uống nước chanh ấm với mật ong
Khi bị đau họng, hãy lấy một cốc nước nóng, thêm chút nước cốt chanh và mật ong. Khuấy đều chúng rồi uống. Mỗi ngày làm 2 lần, uống 2-3 ngày họng của bạn sẽ không còn bị đau.
5. Xông hơi
Khi cổ họng bị đau, ngực cũng như bị thứ gì đó chặn lại khiến bạn khó thở. Vì vậy hãy xông hơi. Cách này sẽ giúp ngực bạn nở ra, mũi thông, họng dịu đi và đầu óc sảng khoái.
6. Nhai tỏi
Tỏi là thảo dược rất tốt, có tác dụng chữa khàn giọng và ho. Nếu bạn chưa quen, hãy chịu khó cho một nhánh tỏi vào miệng và từ từ nhai cho đến khi bạn nuốt hẳn. Nó sẽ giúp họng bạn giảm đau đáng kể.
7. Nhai lá húng quế
Hãy lấy một vài búp lá húng quế và nhai chúng vào mỗi buổi sáng, buổi tối. Bạn cũng có thể uống trà húng quế nếu cảm thấy khó khăn khi ​​nhai trực tiếp. Làm điều này trong vòng 3-4 ngày, chứng đau họng của bạn sẽ không còn.
8. Massage cổ họng với dầu nóng
Có khả năng bạn bi viêm amidan và điều này có thể là lý do khiến bạn bị đau họng. Hãy dùng dầu nóng xoa bóp nhẹ trên cổ, chúng sẽ giúp bạn giải thoát khỏi những cơn đau và cũng sẽ làm giảm chứng viêm amidan.
Theo VnExpress

Bài tập đơn giản giúp “dân văn phòng“ cải thiện thị lực

Nhóm nghiên cứu của Trung tâm y tế Tây Nam, Đại học Texas, mới đưa ra một bài tập đơn giản mà họ tuyên bố có thể giúp người dùng máy tính không bị chứng mỏi mắt.
Theo nhóm nghiên cứu, sau mỗi 20 phút làm việc, nếu nhấp nháy mắt 20 lần liên tiếp và rời mắt khỏi màn hình 20 giây, tập trung vào một đối tượng cách khoảng 6m, sẽ hạn chế được tình trạng giảm thị lực. Biện pháp này được gọi là "chiến lược 20-20-20".
Cải thiện chứng mỏi mắt nhờ chiến lược 20-20-20
Chứng mỏi mắt có thể cải thiện nhờ "chiến lược 20-20-20".
Bất cứ ai thường xuyên phải ngồi trước máy tính  từ 3 hoặc nhiều giờ trong một ngày đều có nguy cơ cao với những triệu chứng đau mỏi mắt, đặc biệt những người làm trong những văn phòng hiện đại. Các triệu chứng như khô mắt, mệt mỏi, đau đầu, đau cổ và khớp thường là những triệu chứng tạm thời, nhưng đối với nhiều người có thể là một vấn đề thường ngày và dần trở nên nghiêm trọng buộc họ phải tìm kiếm sự trợ giúp y tế.
 
"Chiến lược 20-20-20" là một giải pháp cho hội chứng thị lực máy tính (CVS), giúp mắt không bị khô và mỏi, có thể mang lại hiệu quả tích cực cho hàng triệu người lao động và người nghiện game online.
 
Quỳnh Thơ

Trưởng thôn “mách nước” cây thuốc trị bệnh gan

Tự mày mò học hỏi, ông Nguyễn Hùng (45 tuổi, trưởng thôn Vĩnh Nãy, xã Phong Hiền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) lại phát hiện ra cây thuốc nam có tên “chè trạng” có tác dụng chữa trị các bệnh liên quan đến gan, thận rất hiệu quả
Trưởng thôn Hùng và thảo dược mà ông khẳng định chữa trị các bệnh về gan hiệu quả
Trưởng thôn Hùng và thảo dược mà ông khẳng định chữa trị các bệnh về gan hiệu quả
Thảo dược “lăn lóc” trong vườn nhà
Theo lời mô tả của ông Hùng, cây chè trạng thường mọc nhiều ở vùng rú cát, chỗ đất khô. Cây thuộc giống thân mềm, cao chừng 40 - 50cm, lá nhỏ và có vị đắng. Cách thức áp dụng vị thảo dược chè trạng vào chữa trị các bệnh liên quan đến bộ phận gan, được trưởng thôn Hùng hướng dẫn cực kì đơn giản như sau: Nhổ cây chè trạng phơi khô, thái nhỏ, sau đó sao vàng hạ thổ theo cách thức truyền thống của đông y.
Ông Hùng nói cụ thể hơn: “Dùng lá, thân cây chè trạng đun nước uống mỗi ngày, hoặc đơn giản pha thuốc uống như pha trà. Nước thuốc có màu đen nhưng rất thơm, vị ngọt, nên dễ uống”. Ông Hùng cho rằng người mắc bệnh gan chỉ cần uống nước chè trạng vài tuần sẽ cho tác dụng rõ rệt. Tuy nhiên do đặc thù thuốc nam mang lại hiệu quả chậm, nên đòi hỏi người bệnh cần duy trì quá trình uống thuốc lâu dài. Ngay cả người bình thường vẫn có thể uống nước chè trạng hàng ngày để phòng bệnh.
Chia sẻ về cơ duyên phát hiện nên cây thuốc quý trên, ông trưởng thôn kể lại, ngày trước từng chứng kiến những bậc tiền bối trong thôn nhổ cây chè trạng về uống như thuốc. Mấy năm trở lại đây, nhiều thầy thuốc đông y cũng thường xuyên về thôn Vĩnh Nãy nhờ dân làng thu gom giúp cây chè trạng về làm thuốc. Tuy ít ai để tâm nhưng ông Hùng lại tò mò gặng hỏi, từ đó mới biết được công dụng đặc trị bệnh gan của cây. Để khẳng định công hiệu của cây thuốc này, ông Hùng lấy chính bản thân mình ra làm ví dụ.
Ông kể mình vốn mắc bệnh gan từ nhỏ, da dẻ vàng vọt. Nhưng từ ngày dùng cây chè trạng đun lấy nước uống, bệnh gan của ông thuyên giảm trông thấy, đến nay ông Hùng đã khỏi bệnh hoàn toàn. “Cây chè trạng giải độc gan, làm mát gan rất hiệu quả. Có những người say bia rượu “quắc cần câu”, sáng ra chỉ cần uống một cốc chè trạng sẽ trở nên khỏe khoắn như thường. Hay nếu ai bị chứng nổi mụn nhọt, nếu uống nước chè trạng cũng sẽ thuyên giảm đáng kể”, ông giải thích.
Với kinh nghiệm nhiều năm sử dụng cây chè trạng vào chữa bệnh, ông Hùng cho biết thêm, ngoài tác dụng giải độc gan, cây chè trạng còn chứa công dụng cải thiện chức năng của thận. Vị trưởng thôn mộc mạc tâm sự, mình không phải là thầy lang nên không thông hiểu nghề thuốc lắm. Tuy nhiên nhờ “học lỏm” được cách thức bào chế cây chè trạng làm thuốc, từ đó đem “bí quyết” phổ biến cho dân làng cùng biết và áp dụng mà thôi.
Ông Hùng cũng không thể giải thích được nguyên lí trị liệu, hàm lượng thuốc sử dụng mỗi ngày. Nhưng có một điều ông cam đoan sự thực đó là tác dụng trị bệnh gan, thận của loại thảo dược này: “Ai không tin cứ tìm cây về uống thử sẽ biết ngay. Không chỉ tôi mà rất nhiều người ở địa phương, thậm chí người ở nơi khác thường xuyên về đây săn tìm cây chè trạng trị bệnh và đều cho kết quả khả quan đến bất ngờ”.
Cây chè trạng, hay còn gọi “nhân trần cát”
Cây chè trạng, hay còn gọi “nhân trần cát”
Nỗi buồn tận diệt thảo dược quý
Trưởng thôn Nguyễn Hùng vừa nói về công dụng cây chè trạng, vừa xuýt xoa tiếc rẻ kể lại, ngày trước hễ cứ bước ra đầu ngõ, dạo một vòng quanh vườn là bắt gặp cây chè trạng nhiều vô kể. Cây mọc nhiều đến nỗi dân làng xem như là giống cỏ dại, ra sức tận diệt. Thế nhưng đó là chuyện của chừng mười năm về trước, còn bây giờ tìm khắp vùng rú cát ở Vĩnh Nãy, hiếm khi bắt gặp loài cây này.
“Hôm trước tôi dẫn người quen đi tìm suốt buổi sáng nhưng chỉ được hai cây cao bằng gang tay. Đặc biệt từ ngày người ta biết đến tác dụng trị bệnh của cây chè trạng thì chúng bị săn tìm gắt gao đến mức gần như tuyệt giống”, ông nói. Chỉ hái, chỉ tận diệt mà không được trông lại, cây chè trạng vì thế từ chỗ cho không, biếu không, chuyển sang thành món hàng bán buôn của một số người với giá vài chục ngàn mỗi bao. Có những lúc mỗi kg thảo dược này được mua với giá tới 200 ngàn đồng, đem bán với giá còn cao hơn, chẳng khác gì “cắt cổ” những bệnh nhân nghèo.
Từ thực tế ấy, ông Hùng trăn trở với công việc nhân rộng giống cây thuốc quý. Ông dẫn khách đến khu vườn rộng hơn trăm m2, giới thiệu: “Tôi đang sưu tầm cây chè trạng con từ khắp nơi đem về trồng tại đây. Cây rất khó nhân giống nên tỉ lệ sống sót tương đối thấp, tuy nhiên hy vọng lứa cây con ít ỏi này về sau sẽ sinh sôi nảy nở lên nhiều”.
Ngoài thảo dược chè trạng, trưởng thôn Hùng còn tự lập vườn bảo tồn nhiều giống cây thuốc dân gian khác như: Cây lá vằng (tức chè vằng, cao lá vằng) có tác dụng trị nhiễm khuẩn sau khi sinh, viêm hạch bạch huyết, viêm tử cung; cây dứa rừng có quả, chuyên chữa trị các bệnh sỏi thận, sỏi gan, men gan cao. “Tôi chỉ là nông dân, nhưng từ nhỏ đã nghe cha ông mách lại xung quanh vườn có nhiều cây thuốc quý. Nghĩ rằng những thảo dược quý nếu bị tuyệt chủng thì thật đáng tiếc, bèn tranh thủ thời gian nhàn rỗi, kiếm tìm cây nhỏ đem về nhân giống, bảo tồn mà thôi”, ông Hùng chân chất chia sẻ.
Nhận xét về cây thuốc có tên chè trạng, lương y Lê Hữu Mạch, Chủ tịch Hội Đông y thành phố Huế giải thích: “Cây chè trạng có tên đông y là cây nhân trần. Tuy nhiên chè trạng thuộc giống nhân trần cát, tức sinh trưởng trên đất cát trắng và là vị thuốc cực kì quý hiếm”. Cũng theo lời lương y Mạch, các tài liệu đông y cổ đã từng đề cập đến tác dụng trị bệnh gan, thận của nhân trần cát hay còn gọi chè trạng. “Nhân trần cát phân bố chủ yếu ở vùng rú cát ở các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị. Tuy nhiên ngày nay do người dân khai thác đất đai, củi đốt ồ ạt nên giống thảo dược này trở nên khan hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng”, ông Mạch cảnh báo.
Mai Long

Thứ Tư, 25 tháng 9, 2013

7 thói quen cần tránh sau khi ăn

Khi ăn bữa chính xong, nhiều người thường dùng trái cây tráng miệng, hút điếu thuốc, nhâm nhi ly trà hoặc đi tắm... Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, những thói quen này cần bỏ ngay vì có hại cho sức khỏe.
Các chuyên gia dinh dưỡng trên trang The Health liệt kê 7 việc không nên làm sau khi ăn gồm:
1. Tráng miệng bằng trái cây
Thông thường sau mỗi bữa ăn, nhiều người thích nhâm nhi vài miếng trái cây tráng miệng. Đây là một thói quen có hại cho sức khỏe.
Các nhà nghiên cứu lý giải, thức ăn sau khi đưa vào dạ dày sẽ phải lưu lại từ một đến hai giờ mới tiêu hóa xong. Lúc này dạ dày đang phải căng ra để chứa thức ăn. Nếu trong khoảng thời gian "cao điểm" này, bạn tiếp tục ăn thêm trái cây sẽ làm tăng thêm gánh nặng cho dạ dày. Hơn nữa trong thành phần trái cây có chứa một số lượng lớn các loại axit, đường, glucose, fructose, tinh bột... càng làm tăng thêm sự lưu trệ tại cơ quan tiêu hóa. 
[Caption]
Ảnh minh họa: Health.
Hơn nữa, trong các loại trái cây như nho, cam, quýt, lê... có chứa nhiều plavon. Chất này dễ dàng bị vi khuẩn đường ruột phân giải thành axit tioxianic làm ức chế công năng của tuyến giáp trạng, về lâu dài sẽ gây bệnh ở tuyến này. Vì thế tốt nhất nên ăn trái cây sau khi dùng bữa từ 2 đến 3 giờ, sau khi thức ăn ở dạ dày đã tiêu hóa gần hết. 
2. Nằm nghỉ
"Căng da bụng, chùng da mắt" là câu nói quen thuộc dùng để chỉ tình trạng sau khi ăn, thông thường mọi người đều cảm thấy buồn ngủ, kèm theo cảm giác uể oải. Điều này được lý giải là do vào thời điểm đó, lượng máu được huy động phần lớn tập trung vào hệ tiêu hóa nên lượng máu ở não bộ giảm đi đáng kể. Chính lý do này khiến cho não và các cơ quan khác đều "buồn ngủ". 
Tuy nhiên, nếu ăn xong mà ngủ ngay thì não sẽ rơi vào trạng thái ức chế, kéo theo sự ngưng nghỉ của toàn bộ cơ thể, trong đó có hệ tiêu hóa. Hệ quả thức ăn không được tiêu hóa triệt để, thậm chí thực phẩm còn sót lại trong cơ quan tiêu hóa bị vi khuẩn tấn công gây ra bệnh về dạ dày, đường ruột.
3. Vận động mạnh
Vận động mạnh sau khi ăn dễ dẫn đến bệnh đau dạ dày. Bởi trong thời gian từ 1 đến 3 tiếng, máu phải đổ dồn về cơ quan tiêu hóa để làm nhiệm vụ "xử lý" thức ăn. Khi ta vận động mạnh trong khoảng thời gian này, buộc lượng máu phải phân bổ nhiều cho cơ bắp, dẫn đến máu không đủ cho cơ quan tiêu hóa, ảnh hưởng đến công năng của dạ dày, dễ gây bệnh đau dạ dày.
4. Hút thuốc lá
Nghiên cứu lâm sàng cho thấy, sau khi ăn, quá trình tuần hoàn máu tăng nhanh. Nếu hút thuốc ngay trong thời gian này, lượng chất độc hại cực lớn trong thuốc lá sẽ thấm vào máu nhanh hơn và nhiều hơn gấp 10 lần so với bình thường. Tình trạng này kéo dài có thể làm rối loạn công năng của dạ dày, ức chế hoạt động của tuyến tụy và gây ra các bệnh về phổi, tim mạch, dạ dày.
5. Uống trà
Nếu bạn có sở thích nhâm nhi một ly trà nóng sau khi ăn cơm, hãy đợi 30 phút rồi mới uống nhé. Bởi trong thành phần trà có chất tanin vào dạ dày sẽ kết hợp với protein, vitamin B1 và sắt trong thức ăn hình thành những hợp chất khó hấp thụ. Ngoài ra chất tanin và chất theocin được tìm thấy trong các loại trà có tác dụng ức chế sự bài tiết dịch vị và dịch ruột, không tốt cho việc tiêu hóa.
6. Đọc sách
Trong khoảng thời gian từ 1 đến 3 tiếng, máu phải đổ dồn về cơ quan tiêu hóa để làm nhiệm vụ "xử lý" thức ăn. Nếu đọc sách ngay trong thời điểm này, máu sẽ được huy động về mắt, làm giảm công năng của dạ dày, mặt khác khi máu tập trung không đủ để mắt hoạt động có thể làm giảm thị lực, dễ gây các bệnh về mắt.
7. Đi tắm
Quá trình kỳ cọ khi tắm gội sẽ làm mạch máu ngoài da giãn nở, máu lưu thông mạnh đến các chi nên lượng huyết dịch ở cơ quan tiêu hóa và nội tạng sẽ giảm. Tình trạng này làm cho quá trình tiêu hóa bị trì trệ, ảnh hưởng xấu đến dạ dày. 
Thụy Ân

Thứ Sáu, 13 tháng 9, 2013

Bài thuốc tự chế “vĩnh biệt” bệnh xoang không tốn tiền

Thương con trai bị viêm xoang từ nhỏ, đã điều trị nhiều năm với đủ mọi phương pháp mà không khỏi bệnh, vợ chồng ông bà Trần Ngọc Đảnh - Trần Thị Kim Phúc (ngụ Quận 6, Tp.Hồ Chí Minh) cất công mày mò, cậy nhờ những bài thuốc dân gian.

Điều thần kỳ đã đến khi gia đình này được mách nước tự chế bài thuốc cực kỳ đơn giản của đồng bào dân tộc Tây Nguyên dùng cây giao (một loại cây thuộc họ xương rồng), giúp người bệnh “đoạn tuyệt” với bệnh xoang mà không tốn một đồng tiền.


Bà Trần Thị Kim Phúc trong một lần đi tìm cây giao phát miễn phí cho người mắc bệnh xoang

Bài thuốc quý của đại ngàn

Ông Đảnh (67 tuổi) vốn không phải là bác sĩ, cũng không một ngày được học về thuốc trị bệnh. Ông trước là giảng viên Trường Đại học Nông Lâm, sau này về công tác ở Sở Nông nghiệp cho đến khi nghỉ hưu.

Vị kỹ sư về hưu kể lại: “Con trai tôi bị viêm xoang từ năm 10 tuổi. Cứ mỗi lần thay đổi thời tiết là cháu đau, nhức đầu, nước mũi chảy liên tục rất khó thở. Ngoài ảnh hưởng lớn đến sức khỏe thì căn bệnh này còn gây cho cháu rất nhiều bất tiện trong sinh hoạt và học tập. Thương con, vợ chồng tôi cứ nghe nói có thầy thuốc nào, bài thuốc nào chữa bệnh cho con dù xa xôi mấy cũng lặn lội đến. Suốt nhiều năm đưa con đi điều trị ở khắp các bệnh viện nhưng bệnh vẫn không thuyên giảm”.

Khoảng đầu năm 2003, một lần ông Đảnh tình cờ gặp một đồng đội cũ từng cùng chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên. Khi biết những vất vả của gia đình bạn trong việc điều trị cho con trai, người này đã chỉ cho chú Đảnh một bài thuốc rất mà trước khi đóng quân ở Tây Nguyên đã được đồng bào dân tộc tốt bụng chỉ cho khi thấy mình bị xoang nặng. Bản thân người này sau khi áp dụng đã khỏe mạnh, hết bệnh từ đó đến nay.

Bài thuốc này kỳ thực rất đơn giản, chỉ duy nhất một vị thuốc là cây giao. Phương pháp chữa bệnh cũng rất dễ dàng, người bệnh chỉ việc đun cây giao tươi lên và xông. Chỉ sau hơn một tháng dùng loại thuốc tự chế này, căn bệnh dai dẳng và “cứng đầu” của con trai ông Đảnh đã hết hẳn. Người thanh niên này đang học tập và làm việc tại Úc, sống trong mùa đông lạnh và khắc nghiệt của xứ sở “chuột túi” nhưng căn bệnh vẫn không tái phát.

Từ khi con trai khỏi bệnh, trong những lần đi tập dưỡng sinh, sinh hoạt các câu lạc bộ, bà Phúc đã phổ biến bài thuốc này cho người quen và rất nhiều người nhờ đó đã khỏi bệnh. Nhiều năm chứng kiến nỗi khổ của con trai khi phải sống chung với căn bệnh khó chịu, ông bà quyết tâm giúp những người bị bệnh như con trai mình tìm lại sức khỏe.

Khi bài thuốc được phổ biến rộng rãi, nhiều người tìm đến gia đình để xin bài thuốc, cây thuốc. Ngôi nhà ống giữa đất Sài Thành không có không gian để trồng cây nên để giúp đỡ những người bệnh, nên có mấy năm ròng, mỗi tuần ông bà lại thuê một chiếc xe 16 chỗ chạy ra Ninh Thuận, Bình Thuận chở đầy một xe cây giao về phát cho mọi người.

Thời gian gần đây do tuổi cao, vợ chồng ông bà không thể đi xa lấy thuốc cho mọi người nên bỏ thời gian soạn hẳn một quy trình đầy đủ từ mô tả cây, công dụng, cách làm, tác dụng, lưu ý … và mỗi người bệnh tìm đến đều được biếu một bản quy trình này.


Cây giao 

Chi tiết quy trình diệt bệnh xoang bằng cây giao

Điều đầu tiên trong bài thuốc này, ông Đảnh nhấn mạnh: “Do cây giao thuộc họ xương rồng, có mủ đục có hại cho mắt nên trong mọi thao tác làm thuốc (cắt, bẻ…) nhất thiết phải thật cẩn thận, tránh để mủ này dính vào mắt (có thể mang kính), tránh trường hợp mủ có khả năng làm hại, đui mắt.

Những dụng cụ nhất thiết phải có để chữa bệnh xoang gồm: 1. Một ấm nước nhỏ (bằng kim loại, sành sứ đều được và lưu ý sau này không dùng ấm này để nấu nước uống vì sợ độc). 2. Lấy một tờ lịch treo tường loại lớn quấn xéo lại thành một cái ống dài. Lưu ý ống phải dài khoảng 50cm, nếu ngắn quá thì hơi sẽ quá nóng, dễ bị phỏng da; còn nếu dài quá thì hơi không đủ mạnh để hít. Ống phải quấn sao cho một đầu vừa miệng vòi ấm, còn một đầu nhỏ hơn dùng để hít. Nếu có ống tre hay trúc được thông lỗ giữa các đốt cây thì tốt hơn, nhưng không được dùng loại ống bằng nhựa bởi dễ nóng chảy.

Bài thuốc xông mỗi ngày gồm một chén (bát) nước và khoảng 70gr cây. Nếu không có cân thì có thể đếm khoảng 15-20 đốt cây thuốc cho một ngày dùng. Thường buổi sáng dùng phần lớn lượng cây thuốc trong phần thuốc của cả ngày, chừa lại một vài nhánh nhỏ để đến chiều bổ sung lượng thuốc đã bốc hơi.

Nếu dùng một lần một ngày thì trọn phần thuốc đã định vào một lần. Cắt nhỏ các đốt cây thành cỡ một nửa đốt ngón tay rồi thả vào ấm. Nên cắt cây ngay trên miệng ấm để cho mủ cây nhỏ vào ấm càng tốt. Sau đó đặt ấn lên bếp, nên sử dụng loại bếp có chức năng tăng giảm lửa như bếp ga mini. Đầu tiên vặn lửa thật lớn cho nước trong ấm sôi sùng sục. Khi thấy hơi xông ra nhiều từ vòi ấm thì bớt lửa đến cực nhỏ, canh sao cho hơi vẫn còn bốc ra nhẹ ở vòi ấm. Kế tiếp đưa một đầu ống đã quấn vào vòi ấm, còn một đầu cho vào mũi để hít hơi xông lên.

Thời gian xông là hai lần trong một ngày (nên sử dụng vào sáng và tối). Thuốc đã dùng buổi sáng nên để dành và hâm lại dùng buổi tối. Khi hâm dùng lần hai thì nhớ bổ sung thêm một ít nước cùng vài đốt cây mới. Sau đó đổ bỏ, hôm sau lại làm liều thuốc mới. Hai hôm đầu xông mỗi lần 20 phút, từ ngày thứ 3 - 5 mỗi lần 25 phút, sau đó xông 30 phút mỗi lần và duy trì như vậy cho đến hết bệnh. Khi bệnh đã khỏi, nên xông củng cố thêm vài lần, mỗi lần 45 phút rồi mới nghỉ hắn. Trẻ em nên xông với thời gian ngắn hơn so với người lớn, để khi quen dần mới tăng thời gian lên.

Theo ông Đảnh, nên xông kiên trì cho đến khi hết hẳn, bệnh nặng có thể xông đến khoảng 30 ngày. Sau đó duy trì thêm một vài lần cho chắc ăn rồi ngưng, không nên lạm dụng. Về sau, nếu có tái phát mới xông tiếp. Có nhiều trường hợp bệnh nặng lâu năm, khi xông đã khỏi bệnh lâu dài.

Kinh nghiệm bản thân của vị kỹ sư về hưu này cho thấy hễ bệnh càng nặng thì khi xông sẽ càng thấy có hiệu quả nhanh, bình thường chỉ sau từ 2 - 4 lần xông sẽ thấy bệnh thuyên giảm rõ. Nếu xông quá lâu mà vẫn không có chút kết quả gì thì chỉ có thể là cơ thể người bệnh không “chịu thuốc” hoặc là đã lấy không đúng giống thuốc hay sử dụng không đúng cách. Những trường hợp này nên ngưng dùng. Qua nhiều năm tiếp xúc với nhiều người bệnh xoang, ông Đảnh khẳng định: “Tỉ lệ khỏi bệnh là rất cao, khoảng trên 90% người đã dứt bệnh xoang khi xông mũi bằng cây giao.”

Ông Đảnh lưu ý: “Người mới xông có thể gặp các biểu hiện sau: Có người xông vào thấy thông mũi, nhẹ đầu, dễ chịu và khỏi bệnh nhanh chóng. Có người 2 - 3 hôm đầu thấy sổ mũi nhiều, khó chịu nhưng tiếp tục xông sẽ qua khỏi và êm dần cho đến khi hết bệnh. Có một số bệnh nhân viêm xoang sàng sẽ thấy bớt đau ở cổ và vai nhưng dồn lên đau nhiều ở đầu nhưng chừng 2 - 3 hôm sau cơn đau sẽ dịu dần; khi xông tiếp sẽ hết đau rồi hết hẳn bệnh”.

Một lưu ý cuối cùng: Bài thuốc này không được dùng cho phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú.

Cây giao là một loại cây thuộc họ xương rồng, không lá, không gai (Có nơi còn gọi là cây nọc rắn, cây càng tôm, cây xương khô, xương cá hay cây san hô xanh...). Cây mọc hoang ở nhiều nơi, ở thôn quê cây thường được trồng làm hàng rào.

Thân chỉ gồm nhiều đốt tròn có đường kính như chiếc đũa, màu xanh, có độ dài không đều, mọc tua tủa ra các phía. Lá nhỏ, hẹp, rụng sớm, thường chỉ có cành nhánh trơ trọi. Thân khi bẻ ra thấy nhiều mủ màu trắng đục như sữa, và chính mủ này là vị thuốc trị bệnh xoang.

Cây dễ trồng, có thể cắt cành và giâm xuống đất ẩm. Sau khi giâm, người ta tưới nước vừa phải mỗi ngày, sau vài ngày thì cây sẽ bén rễ, rồi dần sẽ nảy nhánh con, phát triển tốt.


Thủy Trúc